THÔNG TIN & TÀI LIỆU DÀNH CHO CÁN BỘ Y TẾ
Thành phần
Mỗi ống 10 ml chứa:
Hoạt chất: Piracetam 1200 mg.
Phụ liệu: Tá dược vừa đủ
Dạng bào chế: Dung dịch uống.
Đường dùng: Đường uống.
Quy cách đóng gói: 10 ml/ống nhựa, 5 ống nhựa/vỉ. Hộp 4 vỉ.
Chỉ định
Rung giật cơ nguồn gốc vỏ não.
Thiếu máu não.
Suy giảm nhận thức ở người già.
Chứng nói khó ở trẻ nhỏ.
Chóng mặt.
Liều lượng và cách dùng
Giật rung cơ nguồn gốc vỏ não:
Piracetam được dùng với liều 7,2 g/ngày, chia làm 2 – 3 lần. Tùy theo đáp ứng, cứ 3 – 4 ngày một lần, tăng thêm 4,8 g mỗi ngày cho tới liều tối đa là 20 g/ngày. Sau khi đã đạt liều tối ưu của piracetam, nên tìm cách giảm liều của các thuốc dùng kèm.
Thiếu máu não, suy giảm nhận thức ở người già, chứng nói khó ở trẻ nhỏ, chóng mặt:
Liều thường dùng là 2,4 g /ngày, chia làm 2 -3 lần; có thể tăng lên đến 4,8 g/ngày cho các trường hợp nặng.
Điều chỉnh liều ở người già, người suy gan nặng và suy thận.
Người cao tuổi: Nên chỉnh liều ở người cao tuổi có tổn thương chức năng thận. Khi điều trị dài hạn ở người cao tuổi, cần đánh giá thường xuyên hệ số thanh thải creatinin để chỉnh liều phù hợp khi cần thiết.
Bệnh nhân suy thận: Chống chỉ định dùng piracetam trên bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin thận dưới 20 ml/phút).
Liều thuốc hàng ngày được tính cho từng bệnh nhân theo chức năng thận. Tham khảo bảng dưới đây và chỉnh liều theo chỉ dẫn. Để dùng bảng phân liều này, cần ước lượng hệ số thanh thải creatinin của bệnh nhân (Clcr) tính theo ml/phút. Có thể ước lượng hệ số thanh thải creatinin (ml/phút) từ nồng độ creatinin huyết thanh (mg/dl) qua công thức sau:
Clcr = {[140 – tuổi (năm)] x thể trọng (kg) / [72 x creatinin huyết thanh (mg/dl)]} x 0,85 (ở phụ nữ).
Nhóm | Hệ số thanh thải creatinin (mL/phút) | Liều và số lần dùng |
Bình thường | > 80 | Liều thường dùng hàng ngày, chia 2 – 4 lần |
Nhẹ | 50 – 79 | 2/3 liều thường dùng hàng ngày, chia 2 – 3 lần |
Trung bình | 30 – 49 | 1/3 liều thường dùng hàng ngày, chia 2 lần |
Nặng | < 30 | 1/6 liều thường dùng hàng ngày, dùng 1 lần |
Bệnh thận giai đoạn cuối | – | Chống chỉ định |
Bệnh nhân suy gan: Không cần chỉnh liều ở bệnh nhân chỉ có suy gan. Nên chỉnh liều thuốc khi dùng cho bệnh nhân vừa suy gan và suy thận (xem chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận).
Chống chỉ định
Người bệnh suy thận nặng (hệ số thanh thải creatinin dưới 20 ml/phút).
Người mắc múa giật Huntington.
Người bệnh suy gan nặng.
Chảy máu não.
Mẫn cảm với piracetam, dẫn xuất pyrrolidon hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Thận trọng
Tác động trên kết tập tiểu cầu: Do tác động của piracetam trên kết tập tiểu cầu, nên thận trọng khi dùng cho bệnh nhân xuất huyết nặng, bệnh nhân có nguy cơ chảy máu như loét đường tiêu hóa, bệnh nhân rối loạn cầm máu tiềm tàng, bệnh nhân có tiền sử tai biến mạch máu não do xuất huyết, bệnh nhân cần tiến hành đại phẫu kể cả phẫu thuật nha khoa và bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông máu hoặc chống kết tập tiểu cầu bao gồm cả aspirin liều thấp.
Suy thận: Piracetam được thải trừ qua thận, do đó nên thận trọng trong trường hợp suy thận (xem liều lượng và cách dùng).
Người cao tuổi: Khi điều trị dài hạn ở người cao tuổi, cần đánh giá thường xuyên hệ số thanh thải creatinin để chỉnh liều phù hợp khi cần thiết (xem liều lượng và cách dùng).
Ngưng thuốc: Nên tránh ngưng điều trị đột ngột vì có thể gây cơn động kinh giật cơ hoặc cơn động kinh toàn thể hóa ở một số bệnh nhân có chứng giật cơ.
Các đợt cấp nghẽn mạch ở bệnh hồng cầu hình liềm: Với chỉ định trong bệnh hồng cầu hình liềm, liều thấp hơn 160 mg/kg/ngày hoặc dùng thuốc không thường xuyên có thể dẫn đến tái phát các cơn cấp tính.
THUỐC NÀY CHỈ DÙNG THEO ĐƠN CỦA BÁC SĨ
ĐỌC KỸ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TRƯỚC KHI DÙNG, NẾU CẦN THÊM THÔNG TIN, XIN HỎI Ý KIẾN BÁC SĨ, DƯỢC SĨ.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.